Thị trường na La Hiên có nhiều kênh tiêu thụ trong mùa dịch

10 năm trở lại đây, La Hiên đã trở thành vựa na lớn nhất tỉnh Thái Nguyên

Huyện Võ Nhai, ngoài các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh còn được biết đến với nhiều sản vật, trong đó có na. Loại trái cây này được đất trời ban tặng riêng cho vùng đất La Hiên thuộc địa phận huyện này. Với đặc điểm thổ nhưỡng là núi đá, nơi đây thích hợp cho sự phát triển của cây na. Trong tầm 10 năm trở lại đây, La Hiên đã trở thành vựa na lớn nhất tỉnh Thái Nguyên cũng như top đầu cả nước. Với đặc tính chín nhanh, chín rộ, khó bảo quản, cộng với việc vụ na năm nay rơi vào cao điểm dịch Covid-19, chính quyền huyện và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm đến các phương án tiêu thụ na cho bà con nông dân.

Thực trạng thị trường na Võ Nhai

Tại Thái Nguyên, cây na phát triển mạnh ở huyện Võ Nhai với diện tích trên 450ha, trong đó 100ha được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng thu hoạch quả na đạt trên 4500 tấn/năm. Bà Vũ Thị Huệ, Phó chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết, ngay từ đầu tháng 6/2021, huyện đã có công văn đề nghị UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Sở Công thương triển khai kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ na cho bà con nhân dân.

Tại Thái Nguyên, cây na phát triển mạnh ở huyện Võ Nhai với diện tích trên 450ha
Quả na Võ Nhai

Theo đó, các cấp ngành sẽ chung tay hỗ trợ tìm đầu ra để kết nối, tiêu thụ na. Quảng bá bằng cách đưa na vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại của tỉnh, thành phố lớn. Tại địa phương, Võ Nhai xây dựng kịch bản chi tiết tổ chức chương trình ngày hội xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na. Chương trình bao gồm 10 gian hàng bán, trưng bày sản phẩm na ngay trong huyện.

Chị Luyến, hộ trồng na xã La Hiên cho biết, đầu năm na có giá 30.000-45.000 đồng/kg. Dù thấp hơn so với những năm trước, nhưng trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay chị chị Luyến chia sẻ, bà con nông dân vẫn hài lòng với giá na trên thị trường.

Bên cạnh sự vào cuộc nhiệt tình của hệ thống các cơ quan thông tin truyền thông. Tại một số vị trí trọng yếu của tỉnh Thái Nguyên và huyện Võ Nhai, pano, áp phích; tờ rơi đã được triển khai để quảng bá sản phẩm na Võ Nhai. Sở Công thương Thái Nguyên đã dựng 11 gian hàng “Điểm kết nối, tiêu thụ sản phẩm quả na”.

Sở Công thương đã vào cuộc hỗ trợ

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên cho biết. Ngoài quảng bá truyền thống, đơn vị đã đẩy mạnh truyền thông qua các kênh thương mại điện tử; nền tảng công nghệ số như sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, MXH (Zalo, Face book…).

Sở Công thương cũng đã áp dụng hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh na. Họ được áp dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý an toàn thực phẩm; xây dựng thị trường na trực tuyến, hiện đại hóa hệ thống phân phối.

“Hiện Sở Công thương đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm xúc tiến thương mại trực tiếp kết nối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm quả na. Ngoài trách nhiệm kết nối cung cầu, Trung tâm còn là đầu mối tiếp nhận. Cùng với HTX na La Hiên chịu trách nhiệm hỗ trợ vận chuyển tiêu thụ sản phẩm. Sở cũng yêu câu Trung tâm bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ các ngày trong tuần (kể cả ngày nghỉ) để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm quả na.” Ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Ngô Tất Khánh, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Minh Cầu phát biểu. Theo ông cách của ngành công thương tạo niềm tin về chất lượng sản phẩm cho đơn vị bao tiêu. Đặc biệt, việc vận chuyển trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn được hỗ trợ tối đa. Điều này cho phép các khách hàng lớn yên tâm về thủ tục giao thương và an toàn sản phẩm.

Người dân vẫn cần nhiều sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật

Bà Hà Thị Bích Hồng, Bí thư huyện ủy huyện Võ Nhai cho biết. Sự vào cuộc nhiệt tình của các ngành, đoàn thể mang lại hy vọng về một vụ na thắng lợi. Tuy nhiên, về lâu dài, để có chiến lược căn cơ, huyện mong nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn về khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Từ đó thực hiện mong muốn kéo dài mùa na chín, kéo dài thời gian bảo quản. Chỉ như vậy, na Võ Nhai mới có cơ hội đi xa hơn trong quá trình trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực, bền vững của địa phương.

huyện mong nhận được thêm sự giúp đỡ về khoa học, kỹ thuật, công nghệ
Người nông dân Võ Nhai thu hoạch na

Ở Thái Nguyên na được trồng tại nhiều địa phương. Hầu như huyện nào người dân cũng trồng na. Nhưng chỉ có vùng đất La Hiên, Võ Nhai được coi là đất na. Na ở đây có vị ngọt đậm, hương thơm khó quên không lẫn với bất cứ nơi nào. Quả na to, múi căng, thưa hạt, bóc một lớp vỏ mỏng để lộ lớp cùi trắng ngần, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy. Đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt đậm đà, mùi hương cũng rất đặc trưng.  Đó không phải là một mùi thơm nức mũi mà nhẹ nhàng, dìu dịu, tinh khiết. Cây na đã gắn bó với nguời dân nơi đây, nhiều gia đình trong xã thoát nghèo, làm giàu từ loại cây này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *