Giá cá hồi giảm sâu, người nông dân liên tục lâm vào cảnh khó khăn

Tình hình nuôi cá hồi của nhiều người nông dân tại Sa Pa đã gặp khó khăn

Suốt một năm qua, tình hình nuôi cá hồi của nhiều người nông dân tại Sa Pa đã gặp khó khăn khi giá cá hồi chỉ dao động ở mức 140-160.000 đồng/kg. Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 mới đây thậm chí còn làm tình hình tệ hơn. Ngành du lịch ở Sa Pa gần như đóng băng. Hệ thống nhà hàng, ăn uống trong và ngoài tỉnh phải ngừng hoạt động. Thị trường nói chung và mặt hàng cá hồi nói riêng bị tác động mạnh. Giá cá hồi đã giảm xuống dưới 140.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán. Nhiều bể nuôi đã phải bán tháo cho thương lái với giá rất thấp. Trong tình cảnh lỗ nặng, nhiều người đã phải bỏ bể không nuôi nữa hoặc chuyển sang nuôi loại cá khác.

Cá hồi đã giảm giá mạnh từ năm ngoái

Trước đây, giá cá hồi dao động 200.000 – 250.000 đồng/kg. Cá hồi cắt khúc có giá 280.000 đồng/kg; cá hồi phi lê giá 350.000 đồng/kg. Tuy nhiên hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều dịch vụ ăn uống phải dừng hoạt động. Điều này khiến cho giá cá hồi giảm sâu đến 60%, chỉ còn 120.000 – 140.000 đồng/kg.

Trước đây, giá cá hồi dao động 200.000 - 250.000 đồng/kg
Giá cá hồi đã từng dao động ở mức 200.000 – 250.000 đồng/kg

Đầu năm 2020, giá cá hồi giảm xuống còn 140.000 – 150.000 đồng/kg. Đến giữa năm, sức tiêu thụ tăng, giá cá đã ổn định trở lại. Nhưng bước sang đầu năm 2021, giá cá hồi lại giảm liên tục. Điều này khiến nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nợ nần, bỏ ao không dám nuôi mới. Nguyên nhân do chi phí sản xuất cao, đầu ra khó khăn.

TX. Sa Pa  (Lào Cai) là vùng nuôi cá hồi lớn nhất nước với gần 300 cơ sở nuôi cá nước lạnh. Diện tích mặt nước khoảng 2ha ở xã: Tả Van, Lao Chải, San Xả Hồ, Ô Quý Hồ, Thác Bạc… tổng sản lượng đạt gần 800 tấn/năm.

Hiện bà con nuôi cá hồi đang tìm mọi cách rao bán trên mạng, bán lẻ từng con. Tuy nhiên, việc bán lẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các tỉnh, thành khác không có điểm tập kết nên phí vận chuyển cao, cá tươi không để được lâu. Việc đưa cá vào bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn không phải dễ. Bởi vì cá phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, cân nặng… chưa kể còn cạnh tranh với các mặt hàng cá hồi nhập khẩu khác.

Phương pháp chế biến sâu là giải pháp cho các hợp tác xã nuôi cá

Nhiều hợp tác xã mạnh dạn chọn hướng đi khác biệt

Cá hồi tươi không tiêu thụ được, cái khó ló cái khôn. Để ứng phó với biến động thị trường, có những HTX đã mạnh dạn chọn hướng phát triển nuôi theo mô hình khép kín và tập trung vào khâu chế biến thành nhiều sản phẩm như: cá hun khói, ruốc, pate cá hồi, dầu cá hồi, trứng cá hồi hoặc cá hồi cắt khúc. Điều này vừa giúp cắt giảm chi phí thức ăn chăn nuôi cá quá lứa, vừa khiến sản phẩm cá hồi bảo quản được lâu, đến được với người tiêu dùng nhiều hơn.

Nhiều hợp tác xã đã chọn hướng phát triển tập trung vào khâu chế biến
Cá hồi được người nuôi chế biến thành các sản phẩm đóng gói

Hợp tác xã (HTX) Thức Mai đã có kinh nghiệm gần 10 năm phát triển nghề nuôi cá hồi, cá tầm tại thôn Can Hồ Mông. Sau nhiều năm, HTX đã quyết định lựa chọn hướng đi khác biệt. HTX Đầu tư thêm cả tỷ đồng mua thiết bị máy móc để tập trung chế biến sâu sản phẩm.

Hướng đi này đã mang lại hiệu quả vượt trội

Hiệu quả mang lại từ hướng phát triển này đã vượt sức kỳ vọng của HTX. Đặc biệt khi cuối năm 2020, các sản phẩm cá hồi Sa Pa đã được công nhận là sản phẩm phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp quốc gia. Doanh số bán hàng của HTX có tháng đã lên tới gần 2 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần trước đây.

Trên địa bàn Lào Cai có gần 300 cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm, phần lớn quy mô nhỏ. Từ kết quả bước đầu của hợp tác xã Thức Mai, tới đây các ngành chức năng sẽ tập trung hỗ trợ về thiết bị và đầu ra thị trường. Nhờ đó các cơ sở sản xuất sẽ có thêm giải pháp giúp tăng hiệu quả kinh doanh.

Việc chế biến sâu sản phẩm trong chăn nuôi cá nước lạnh là hướng đi tất yếu. Nó vừa nâng cao giá trị của sản phẩm, vừa đảm bảo ổn định thị trường trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay.

Để làm được việc này, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chức năng, các cơ sở sản xuất cũng cần chú trọng liên kết để có đủ nguồn cung sản phẩm, nâng cao chất lượng nuôi cá, đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.

Nhiều người nông dân đã chuyển sang nuôi cá tầm

Không chỉ tập trung chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm từ cá hồi. Nhiều hợp tác xã nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa đã chuyển đổi sang nuôi cá tầm. Ưu điểm của cá tầm là có thể kéo dài thời gian nuôi, cá càng lớn thì càng được giá. Thời gian nuôi cá tầm dài hơn, nên người dân không phải thấp thỏm tìm đầu ra.

Nhiều người nông dân đã chuyển sang nuôi cá tầm
Cá tầm là loài cá nước lạnh, rất phù hợp với khí hậu thời tiết Sapa

Cá tầm cũng là loài cá nước lạnh, rất phù hợp với khí hậu thời tiết nơi này. Nuôi Cá tầm tại Sa Pa nhằm thay đổi theo diễn biến thực tại để phù hợp với đầu ra, ổn định sản xuất cho người dân. Đây được xem là giải pháp tình thế phù hợp, tuy nhiên không phải không có những lo ngại về đầu ra khi sản lượng cá tầm tăng nhanh so với nhu cầu.

Các cơ sở nuôi cá nước lạnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cho thấy sự nhanh nhạy của người dân với thị trường và tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, cùng lúc nhiều cơ sở tập trung nuôi cá tầm dẫn đến sản lượng cá tầm tăng nhanh, không tránh khỏi cung vượt quá cầu. Trước đây, lượng cá tầm chỉ chiếm 10% trong các cơ sở nuôi, hiện chiếm đến 90%. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên chuyển đổi ồ ạt, tránh tình trạng cung vượt cầu, dễ bị thương lái ép giá.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *